Phong trào giáo dân
Chia sẻ Lời Chúa

Con Người và Tình Yêu Đích Thực

16/01/2025 11:35(Lượt xem: 86)

Con Người và Tình Yêu Đích Thực

Con Người và Tình Yêu Đích Thực Agape

Tiếng Sa Mạc

Lâu nay, ta vẫn hay lầm lẫn giữa tình yêu nhân loại bày tỏ với nhau và tình yêu Thiên Chúa với ta. Có chỗ gần giống và cũng có chỗ rất khác biệt. Bài viết sau đây, tuy không đầy đủ, nhưng cũng cho ta thấy cơ bản những dị biệt giữa hai loại tình yêu, dựa trên những tư liệu mặc khải của thánh kinh.
Trong phúc âm thánh Mátthêu, Chúa Giêsu phán: «Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin Người» (Mt 7:11). Chúa Giêsu cho ta thấy, rõ ràng có sự khác biệt giữa tình thương cha mẹ trần thế và tình thương của Thiên Chúa tỏ lộ ra với con người.
Vậy tình thương nhân loại khác với tình yêu Thiên Chúa ở những điểm nào?
Để tóm tắt:
– Cảm xúc của giác quan của ta, khác với ý chí tinh thần của Thiên Chúa.
– Tình yêu tương đối và hay biến đổi, khác với tình yêu bất biến trường tồn.
– Tạo vật bất toàn, khác với sự hoàn hảo tuyệt đối.
– Hình ảnh, khác với chân tướng.
 
1)  Tình yêu thương của con người:
 
●    Cảm xúc sinh học và tâm lý:
Tình yêu định vị ở đâu? Có phải ở trái tim? Theo các nhà khoa học thì không phải, mà tình cảm con người đến từ một loạt trong đó có oxytocin, do bộ não điều khiển.
Nồng độ oxytocin trong máu quyết định cường độ tình cảm ta thể hiện. Tình cảm này có thể là ái lực nam nữ, tình mẫu tử, tình bạn bè, người thân … Chính oxytocin làm ta rung cảm và là một biệt dược giúp ta giảm đau hoặc làm tăng khoái cảm. Oxytocin tạo niềm tin tưởng gần gũi, làm tăng tuổi thọ, giảm stress.
Tiến sĩ Gabija Toleikyte, nhà thần kinh học đại học Shelfield Hallam (Anh) nói: tình yêu đến từ nơi sâu kín nhất của tiềm thức. Bà cho rằng «tiềm thức là nơi chứa đựng thông tin nhiều gấp cả chục lần so với phần não bộ… Bộ não phải làm việc cật lực để tính toán và tạo ra cảm xúc đó». Đối với họ, tình yêu chẳng có gì là cao thượng, thần bí. Nó chỉ là hoạt động sinh hóa và tâm lý của con người. Nói cách khác, chính tạo hóa giấu hạnh phúc ngay trong hoóc-môn của chúng ta. Tuy mãnh liệt, nhưng bạn có thể làm chủ mối quan hệ: phát triển hoặc hạn chế nó.

●    Tương đối và hay biến đổi:
Vì tình cảm có nguồn gốc sinh học, cho nên nó biến đổi tùy sinh hóa cơ thể, lúc thế này khi thế khác, mạnh yếu là do oxytocin tiết nhiều hay ít, chứ không nhất thiết luôn luôn là như thế. Ta thấy tình cảm yêu thương lên cao hay xuống thấp tùy hứng, tùy điều kiện sinh lý và tâm lý thay đổi.
Tục ngữ ta hay nói: «Yêu nhau lắm, cắn nhau đau». Đam mê có lúc nồng cháy, có lúc lụi tàn là sự thường. Hiểu biết bản chất tương đối của tình yêu khiến tình cảm của ta kéo dài lâu hơn. Người ta thường phân biệt tình yêu và tình nghĩa, tình yêu thì mù quáng, tình nghĩa là sự thấu hiểu sẽ lâu mất đi hơn là tình cảm nhất thời.
Người ta thống kê có đến 40% các đôi vợ chồng trẻ Tây Phương, không còn ở với nhau sau một thời gian chung sống. Mặc dù khi cưới nhau họ cũng yêu nhau thắm thiết. Tình yêu con người thì rất tương đối và hay thay đổi.

●    Tạo vật thì bất toàn:
«Nhân vô thập toàn». Tình yêu con người vì thế cũng bất toàn như nó được dựng nên. Tình yêu con người không dựa trên tiêu chuẩn nào rõ rệt. Người thì thương, kẻ lại ghét. Người thì mê như điếu đổ, kẻ lại ghét cay ghét đắng. «Thương nhau củ ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo» là vậy. Yêu ghét thật là chủ quan, tùy lòng người.
Ta không lý giải được lý do nào mà yêu hoặc ghét hình thành, chỉ nói chung chung: do vô thức, thẩm mỹ, quan niệm, lương tâm, thời đại, tâm lý đám đông, phù hợp hoặc không v.v… thế nào là dễ thương, thế nào là đáng ghét. Tại sao đang yêu đổi thành ghét dễ dàng vậy. Điều đó nói lên tính bất toàn và khiếm khuyết của con người.

●    Hình ảnh và chân tướng:
Tình yêu giữa con người với nhau là qua giác quan và cảm nhận của bộ óc. Giác quan của ta bị giới hạn tứ bề. Ngoài những gì mà ta cảm nhận được trực tiếp, ta chỉ có được sự hiểu biết qua các dụng cụ đo lường. Biên độ tới đâu thì còn tùy vào trình độ khoa học kỹ thuật.
Không thể kết luận bản chất của tình yêu là gì và nó chỉ có thế. Ta chỉ có thể biết được hiện tượng, những phản ánh, những hình ảnh của nó mà chưa thể biết rõ được cái bản chất thật sự, cái chân tướng vốn có của nó. Chẳng thế mà tình yêu muôn đời luôn luôn là thắc mắc, là câu hỏi mà không ai có thể trả lời đích đáng, dù là những nhà thơ, nhạc sĩ, khoa học gia, hay là nhà triết học.
Tuy thế, không thể nào nói yêu hoặc ghét là hoàn toàn chủ quan. Nó vẫn có những tiêu chuẩn chung mà đa số, trong chúng ta, ai cũng đồng lòng, để ta yêu hoặc ghét, để ta bày tỏ cảm xúc một cách khá đúng đắn và khá chắc chắn. Đó chính là cái phản ánh, cái «hình ảnh» của «chân tướng» mà ta đang nói đến.
Vậy có một tình yêu đích thật không?
 
2)  Tình yêu Thiên Chúa: Agape
«Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4:16) và là bản chất của Ngài.
● Tình yêu đến từ ý chí và tinh thần:
Không phải là cảm xúc nhất thời, hời hợt. Tình yêu của Thiên Chúa không đến từ hoóc-môn. Ngài chính là tình yêu. Thánh Gioan khẳng định điều này là do mạc khải. Ta đừng hiểu tình yêu theo nghĩa như đã phân tích ở trên, vì ngôn ngữ con người hạn hẹp, dễ đưa đến lầm lẫn. Tình yêu thật sự đến từ ý chí và tinh thần sáng suốt. Nó không mù quáng kiểu bản năng con người.
Tình yêu và ý chí có mối liên kết chặt chẽ trong tác động tâm lý. Ý chí thể hiện sự kiên trì và vững bền, sự tự chủ, tính quyết đoán, độc lập, ổn định. Trong thơ thứ 2 gởi Timôthê, thánh Phaolô viết: «Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một thần khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ» (2 Tim 1:7).
Tình yêu không là cảm xúc của giác quan mà mang tính chất tinh thần, nhận thức sáng suốt, sáng tạo.
Thánh Gioan nói: «Thiên Chúa là thần khí» (Ga 4:24). Ngài không thuộc thế giới vật chất với các giác quan và xúc cảm như chúng ta.

● Tình yêu tuyệt đối và bất biến:
Trong sách Xuất Hành chương 34 câu 6-7, Chúa phán: «Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi» (Xh 34:6-7).
Ngài cũng phán qua miệng tiên tri Giêrêmia: «Ta đã yêu người bằng mối tình muôn thuở» (Gr 31:1).
Tình yêu Thiên Chúa với chúng ta thì tuyệt đối, bền vững, bất biến và vĩnh cửu, không hay thay đổi, sáng nắng chiều mưa: «Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành cho đến muôn ngàn thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và giữ các mệnh lệnh của Người» (Đnl 7:9).

● Tình yêu toàn vẹn:
Trọn vẹn, hoàn hảo và vô lượng là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa với con người. Vì bản chất Ngài là tình yêu. Thánh Gioan nói: «Ai không yêu thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4:8). Ngài không thể không yêu.
Yêu thì phải có đối tượng, và «Con người là chi mà Chúa phải bận tâm?» (Tv 8).
Tại sao Thiên Chúa lại yêu thương con người vậy? Chúa nói với ta qua tiên tri Isaia: «Vì ngươi có giá trước mắt ta, có giá trị và Ta yêu mến ngươi» (Is 43:4).
Ta thì có xác thể, Thiên Chúa thuộc thế giới thần linh, khác với người trần. Vậy Thiên Chúa có yêu như ta yêu không? 

● Chân tướng khác với hình ảnh phản ánh:
Thiên Chúa là chủ thể sáng tạo ra tất cả, không gì là Ngài không biết, kể cả «quà tặng tính dục»mà ta vẫn gọi tên là tình yêu «eros». Hơn nữa, Thiên Chúa đã làm người, Chúa Giêsu: «Vốn dĩ là Thiên Chúa… mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế» (Phil. 2:6-8). Chúa là người thật với những đau khổ và đam mê như ta.
Thiên Chúa đã cụ thể hóa tình yêu của Ngài với con người, qua những ví von như tình yêu của người mẹ trần thế: «Người mẹ nào lại quên con đẻ của mình, cạn lòng thương với con mà nó đã mang? Cho dù chúng quên được nữa thì phần Ta, Ta sẽ không hề quên ngươi. Này Ta đã khắc ngươi trên bàn tay ta» (Is 49:14-15).
Tình mẫu tử như «Gà mẹ ấp ủ con dưới cánh» (Lc 13:34), một tình yêu mãnh liệt và vô vị lợi, dám hy sinh bản thân mình để bảo vệ đàn con. Giống như tình yêu của Chúa với con người dám hy sinh cả mạng sống mình vì người mình yêu (Ga 15:13).
Chúa chỉ dùng thí dụ ví von để ta mường tượng cái gì gần giống như thế, chứ không phải như thế thật, vì thế giới giác quan và não bộ của ta bị giới hạn không thể lãnh hội trọn vẹn cái chân lý ấy. Chúng ta chỉ là phản ánh, hình ảnh cái thực tại là chân tướng sự vật.

Kết luận:
Thánh Phaolô tóm tắt tình yêu đích thực «agapé» bằng bài ca như sau:
«Đức mến (tình yêu agapé) thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả» (1 Cor 13:4-7).
Đâu có gì là khó hiểu và cũng khả thi, vì chẳng có gì là xa lạ với đời thường.
Ngài cũng nói thêm: «Bây giờ, chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ, tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết» (1 Cor 13:12).

Tiếng Sa Mạc

Từ khóa liên quan:
Bài tin liên quan
Chia sẻ bài viết

Tác giả


Nguyên Chính Kết

Phạm Hồng Lam

BBT

Phạm Hương Sơn

Phạm Thiên Phước

Thông tin


Phong Trào Giáo dân Việt Nam Hải Ngoại C/o Pham Max Gutmann 6 1/7 D-86159 Augsburg – BRD www.phongtraogiaodan.com thuongvu@phongtraogiaodan.com

Copyright © 2024 team_vvpb